Chào mừng các bạn đã đến với web lớp 7/6 - Chi đội Nguyễn Văn Trỗi - trường THCS Lý Tự Trọng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Chúc các bạn có một ngày học tập thật lý thú và bổ ích

Sinh nhật Bác

Sinh nhật Bác

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

KỶ NIỆM 126 NĂM NGÀY SINH NHẬT BÁC HỒ (19/5/1890 – 19/5/2016)

Cứ mỗi dịp Tháng 5 về, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về kỷ niệm những ngày 19/5 khi Bác Hồ kính yêu còn sống. Nhớ lại ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ đó trở đi, cứ đến dịp 19/5, toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui dâng trào, kính yêu Bác vô hạn

Cũng vào dịp này toàn dân lại dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất học tập, công tác, mừng Ngày sinh Bác Hồ kính yêu.        
         Là lãnh tụ tối cao, nhưng Bác Hồ luôn gần gũi nhân dân. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ.
         Ở Hà Nội, đúng ngày 19/5, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. Có năm, vào dịp ngày sinh  của mình, Bác sang công tác ở bên Trung Quốc. Hôm ở nhà nghỉ Bắc Kinh, các đồng chí ở đây biết ngày sinh của Bác nên chuẩn bị chúc thọ, Người nói với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: "Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây".
             Vào một dịp ngày sinh năm khác, Bác sang Trung Quốc với ý nghĩa như Người đã viết trong thư gửi bà Ðặng Dĩnh Siêu - Cán bộ cao cấp của Ðảng Cộng sản Trung Quốc: "Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh "chúc thọ", "tránh tặng quà".
             Một lần vào ngày sinh của mình , Bác vắng nhà. Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ tổ chức đánh bắt cá thịt tại ao cá mà Người vẫn hằng ngày chăm sóc, để biếu các cụ già, các cháu bé, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, cho anh chị em trong cơ quan phục vụ  Bác cải thiện bữa ăn. Việc này vừa thể hiện sự quan tâm chăm lo của Bác đối với mọi người, vừa là để cảm ơn mọi người tận tụy công tác chăm lo cuộc sống hằng ngày của Bác.
           Vào những dịp đó, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết. Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ
. Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ tuy nói về ngày sinh của mình, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Bác  đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí : "Trung với Ðảng, hiếu với dân", và thể hiện đường lối lãnh đạo của Ðảng ta đối với sự nghiệp cách mạng, của dân tộc ở trong từng thời điểm lịch sử.          Những ngày này gợi nhớ tới dịp kỷ niệm ngày sinh Bác 40 năm trước (5/1968), năm sức khỏe của Bác giảm sút. Ðó là vào lúc 9h ngày 10/5/1968, Bác viết câu mở đầu vào tài liệu "Tuyệt đối bí mật" để gửi lại cho đời sau: "Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp người "trung thọ". Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây...". Bởi vậy, sinh nhật năm nay, Bác không vắng nhà. Và như những năm trước, Bác tập trung cho công việc suy nghĩ, sửa chữa vào bản Tài liệu dặn lại cho đời sau. Năm nay, Bác viết thêm vào bản Di chúc, dặn việc phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Ðảng; chăm lo đời sống của nhân dân sau chiến tranh.
      Tuy Bác không đi công tác xa như những năm trước, nhưng buổi tối 18/5/1968, Bác lên nhà nghỉ ở Hồ Tây. Trưa 19/5, một bữa cơm thân mật được tổ chức ở Hồ Tây, gồm một số anh em phục vụ, lái xe, bảo vệ nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác Hồ. 6h15 ngày 20/5/1968, Bác Hồ dự khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa III. Họp sớm để tránh hoạt động của máy bay Mỹ. Hội trường sôi động hẳn lên nhất là khi nghe Bác Hồ kết thúc buổi họp vào lúc 8 giờ bằng những lời chân tình: "Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thế thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ này:
                                    Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
                                    Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
                                    Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
                                    Tiến bước! Ta cùng con em ta"
         Cũng như mọi năm, vào dịp sinh nhật Bác, Bác cho anh em bảo vệ bắt cá ở ao để cải thiện bữa ăn. Năm nay anh em bảo vệ bắt được con cá trắm cỏ rất to. Khi đưa con cá để Bác xem, Bác bảo cân xem con cá nặng bao nhiêu? Anh em mượn chiếc cân bàn của nhà bếp, khi đặt con cá lên vì cá to đầu, đuôi chạm đất, đang loay hoay tìm cách cân cá, thì Bác bảo: Chú Ðỉnh (lúc đó là tổ trưởng tổ bảo vệ nhà sàn) ôm cá lên, và bước lên cân, trừ cân chú thì còn lại là cân của con cá. Theo chỉ dẫn của Bác, đồng chí Ðỉnh báo cáo, con cá nặng 24 kg. Lúc đó Bác nói vui: Bắt nó lên để cá lớn không nuốt cá bé.
         Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị, đó là bản chất của người đầy tớ của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người cao đẹp nhất.
         Bác Hồ đã đi xa  46 năm, nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm: Bác Hồ không mất. Bác Hồ vẫn đời đời sống cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp nơi. Vì vậy, vẫn như có Bác Hồ, hằng năm tới dịp Tháng 5 là toàn thể nhân dân ở khắp các miền quê Việt Nam, và cả bạn bè năm châu vẫn nô nức tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ. Kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay đúng vào năm thứ năm toàn Ðảng, toàn dân ta thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
             Ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người, sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn,  gương mẫu học và làm theo Bác.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Lịch thi HKII

- Sáng 26/4: Sinh + Công nghệ + Địa
- Chiều 4/5: Thi nói Tiếng Anh
- Chiều 5/5: Anh + Sử + Tin
- Sáng 7/5: Văn + Công dân
- Chiều 9/5: Toán + Lý
*Chú ý: Sáng 7h, chiều 13h
*Các bạn nhớ đi đúng lịch

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Vui Tết Nguyên Tiêu

Sáng ngày 22/2/2016, trường THCS Lý Tự Trọng đã tổ chức Tết Nguyên Tiêu với không khí vui tươi, hứng khởi của toàn trường. Nhà trường đã tái hiện lại hình ảnh ông đồ, cây nêu, mâm bánh và lọ hoa ngày Tết.
Một số hình ảnh trong ngày:




Sau đây là các thành quả của lớp trong ngày Tết Nguyên Tiêu: 





Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Những phong tục cổ truyền của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán

 Tết Nguyên đán là ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Đây cũng là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Với người Việt Nam, tết Nguyên đán là những ngày lễ lớn nhất trong năm.

Trải qua bao nhiêu năm, những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét bản sắc dân tộc.
Thăm mộ tổ tiên
Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp, con cái trong gia đình tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

Trang trí, sửa soạn nhà cửa ngày tết

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết đến xuân sang, nhà nhà đều dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp theo đúng không khí của ngày Tết. Tất cả các đồ dùng trong gia đình, từ ghế ngồi, bàn thờ...đều được lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới. Trên tường treo những câu đối hoặc tranh tết. Trong nhà đặt các lọ hoa với đủ màu sắc tươi mới như cúc vàng, hoa hồng...hoặc những cây quất với những trái quất vàng ươm làm rực lên một góc không gian.
Nói đến tết không thể không nhắc đến hoa đào - loài hoa chỉ có vào mỗi dịp tết đến xuân sang ở miền Bắc, với người miền Nam thì có mai vàng.
Bên cạnh đó còn có mâm ngũ quả được bày lên trên bàn thờ. Các loại trái cây được bày lên thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới với những điều tốt lành.
Phong tục cúng ông Táo
Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người Việt Nam lại có tục cúng ông Táo. Ông Táo hay còn gọi là Thần Bếp, có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình bào cho Trời. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng thu dọn nhà cửa, bếp sạch sẽ rồi làm lễ cúng tiễn ông Táo lên trời, nhờ ông báo cáo những điều tốt đẹp để một năm mới bình an và may mắn.
Theo lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp và phải có cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cưỡi cá chép để lên trời.
Lễ rước vong linh Ông Bà
Là lễ mời ông bà về ăn Tết với con cháu.Chiều ngày 30 tháng Chạp, trên bàn thờ tổ tiên được bày 1 mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn. Người gia trưởng thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau đó mọi người trong gia tộc đều chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết
Tục xông nhà
Theo phong tục, cứ đến đêm giao thừa mọi người thường ở trong nhà không đi đến nhà khác để đợi có người đến xông nhà, rồi mọi người mới được đi chúc tết nhà khác. Người ta tin rằng, người xông nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà trong cả năm mới. Tuổi tác người xông nhà cũng khá quan trọng, vì thế trước tết chủ nhà thường chọn người quen biết, hợp tuổi để đến xông nhà cho nhà mình.
Hái lộc đầu xuân
Trong đêm giao thừa, mọi người thường đi lễ chùa để cầu một năm mới tốt lành, sức khỏe tốt trong một năm mới. Sau đó người ta sẽ ngắt một cành lộc ở một cành cây nào đó. Nếu ngắt được cành lá tươi tốt thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, ngày nay người ta ít làm tục này.
Phong tục chúc tết, mừng tuổi
Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.
Những phong tục cổ truyền của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán - Ảnh 2
Mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Ảnh minh họa.
Trong những ngày đầu năm, thường thì từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, mọi người còn đến chúc tết anh chị em, bà con họ hàng, bạn bè để chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới đến. Khi chủ nhà được chúc tết thường tiếp đãi người đến chúc tết ăn uống để thể hiện thành ý và tình thân với nhau.
Phong tục xuất hành
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Cho nên, theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp. Ngày nay phong tục này không còn được nhiều người tin và làm theo.
Tục kiêng cử
Trong 3 ngày đầu năm người ta thường thận trọng lời ăn tiếng nói và hành động vì tin rằng có thể đem lại hên xui cho cả năm. Thí dụ như không quét rác, nhất là quét xác pháo ra khỏi nhà vì bị xem là quét tiền ra cửa. Không tặng thuốc men hay dao nhọn vì bị xem là dấu hiệu của bệnh hoạn và xung khắc. Không khóc lóc than thở hay đập vỡ chén dĩa vì đó là dấu hiệu của sự đổ vở trong gia đình. Không mặc đồ trắng hay đen vì bị xem là dấu hiệu của sự tang tóc.

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Lịch nghỉ Tết

Học sinh nghỉ tết từ thứ sáu ngày 5/2/2016 ( 27 âm)
đến hết chủ nhật ngày 14/2/2015 (7âm)

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930

Cuối thế kỷ XIX, sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp bắt tay thực thi các chính sách thực dân hà khắc, biến nước ta từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đó. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo...Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.

Trong bối cảnh đó, tháng 6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác- Lê nin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lê nin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản.
Tháng 3-1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội, gồm có Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính.
Ngày 1-5-1929, tại Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị dó không được chấp nhận, trở về nước, ngày 17-6-1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25-7-1929 An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9-1929 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ.
Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Từ ngày 3 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu DDCSD); Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm (đại biểu (ANCSĐ). Đại biểu ĐDCSLĐ không đến kịp. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng. Đảng được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm cuả sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã xác định cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta./.